Thế nào là phát triển nguồn nhân lực? Ý nghĩa đối với doanh nghiệp là gì?

“Nhân tài chính là nguồn lợi nhuận cao nhất có được, một công ty có thể “kinh doanh” tốt nhân tài thì công ty đó trước sau gì cũng thắng lợi.” (Liễu Truyền Chí - Chủ tịch HĐQT Công ty máy tính Lenovo)

Một doanh nghiệp thành công là một doanh nghiệp có nguồn nhân lực chất lượng cao, năng suất lao động hiệu quả. Muốn đạt được điều đó, doanh nghiệp cần đẩy mạnh, chú trọng công tác phát triển nguồn nhân lực, khiến nhân sự ngày càng nâng cao được trình độ bản thân hơn nữa. Tuy vậy, không phải doanh nghiệp nào cũng hiểu rõ cách phát triển nguồn nhân lực một cách toàn diện nhất hoặc thậm chí, còn chưa nhận thức được chính xác ý nghĩa đối với sự phát triển của tổ chức


Thế nào là phát triển nguồn nhân lực?

Về nhân lực

Nhân lực, theo nhiều tài liệu hiện nay, được hiểu là những đối tượng đang và sẽ bổ sung vào lực lượng lao động, là tổng thể những tiềm năng về thể lực, trí lực và nhân cách của người lao động theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội về số lượng, chất lượng và cơ cấu lao động.

Nói tóm lại, nhân lực là khái niệm bao gồm toàn bộ các tiềm năng của con người trong một tổ chức (từ nhân viên cho tới lãnh đạo cấp cao).


Về phát triển nguồn nhân lực

Phát triển nguồn nhân lực là tổng thể các hoạt động học tập có tổ chức được tiến hành trong một khoảng thời gian nhất định nhằm tạo ra sự thay đổi hành vi nghề nghiệp của người lao động theo hướng tích cực, từ đó nâng cao chất lượng nhân sự, hiệu quả lao động cho doanh nghiệp.

Nội dung phát triển nguồn nhân lực gồm 3 hoạt động chính: giáo dục, đào tạo và phát triển. Trong đó:

  1. Giáo dục: là các hoạt động học tập để trang bị đủ kiến thức, kỹ năng cho nhân viên khi bắt đầu một công việc hoặc chuyển sang một nghề nghiệp mới thích hợp hơn trong tương lai.

  2. Đào tạo: là các hoạt động học tập nhằm giúp người lao động nắm vững hơn về công việc chuyên môn của mình và các kỹ năng liên quan, từ đó nâng cao trình độ bản thân và tăng hiệu suất lao động.

  3. Phát triển: là các hoạt động học tập vượt ra khỏi phạm vi công việc hiện tại của nhân sự, mở ra những cơ hội, công việc mới dựa trên cơ sở những định hướng tương lai của tổ chức. 

Xét ở khía cạnh vi mô trong từng doanh nghiệp, phát triển nguồn nhân lực được hiểu là tổng hợp các phương thức hoạch định, tuyển dụng, đào tạo, bố trí sử dụng nhân sự, tạo điều kiện cho nhân sự hoàn thành tốt công việc, phát huy tối đa khả năng của bản thân.




Về nội dung phát triển nguồn nhân lực

Trong quá trình phát triển nhân sự của doanh nghiệp, ban lãnh đạo, bộ phận đào tạo - nhân sự cần chú ý một số yếu tố sau:

  1. Đảm bảo về số lượng phù hợp với chiến lược phát triển của tổ chức

Nguồn nhân lực của mỗi tổ chức là có hạn nên do đó, cần phải thực hiện tốt công tác hoạch định để có thể đạt được mục tiêu chiến lược mà tổ chức để ra. Để hoạch định hiệu quả, doanh nghiệp cần chú ý tới các khía cạnh: cơ sở chiến lược; kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; tình hình phát triển của nội bộ ngành và các lĩnh vực liên quan.

Thực hiện công tác hoạch định hiệu quả đồng nghĩa với việc dự báo được nhu cầu về số lượng, cơ cấu cũng như chất lượng nguồn nhân lực cần cho sự phát triển của tổ chức ở mức chính xác nhất. Từ cơ sở đó, tiến hành so sánh với nguồn lực hiện có sẽ giúp doanh nghiệp có cái nhìn tổng quan nhất trong việc phát triển nguồn nhân lực thời kỳ cần hoạch định cũng như trong tương lai dài hạn.

  1. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Thực tế, hầu hết các hoạt động phát triển nguồn nhân lực đều hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng bởi đây là yếu tố “sống còn” tác động tới kết quả hoạt động của doanh nghiệp. Cụ thể, đối với nhân sự, doanh nghiệp cần chú trọng:

Phát triển trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

Tức là, cần phải trang bị cho người lao động những kiến thức, kỹ năng mới về nghiệp vụ chuyên môn để theo kịp tốc độ thay đổi thực tế của thị trường ngành, thị trường lao động hiện nay cũng như luôn bổ sung, đánh giá những kiến thức, kỹ năng cốt lõi để nâng cao trình độ bản thân, giúp nhân sự đạt đến mức “lành nghề”.

Nâng cao trí, lực và nhân cách, phẩm chất.

Song song với việc phát triển trình độ về chuyên môn nghiệp vụ, nhà lãnh đạo còn cần phải quan tâm đến “trí - lực - nhân” ngoài chuyên môn của nguồn nhân lực. Các khía cạnh này có thể bổ sung thông qua các buổi đào tạo kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng mềm; đảm bảo chế độ, điều kiện sinh hoạt của nhân sự tại nơi làm việc…..

  1. Phân bổ hợp lý về cơ cấu nguồn nhân lực

Phân bổ hợp lý sẽ giúp cho bộ máy tổ chức của doanh nghiệp vận hành “khớp” với nhau ở mức cao nhất, không gặp phải tình trạng “thừa chỗ này, thiếu chỗ kia”. Muốn các bánh răng nhân lực hoạt động trơn tru nhất, ban lãnh đạo cần phải hoạch định nguồn nhân lực trong nội bộ doanh nghiệp thật chính xác ngay từ đầu để có thể xác định được phương hướng, quy hoạch cũng như kế hoạch phát triển phù hợp với tầm nhìn của tổ chức.

  1. Chú trọng công tác quản trị nguồn nhân lực

Có xây thì phải có giữ. Công tác phát triển nguồn nhân lực của doanh nghiệp cũng vậy. Có 3 chức năng quản trị nguồn nhân lực cần được chú ý:

  • Thu hút nguồn nhân lực: tập trung đảm bảo có đủ số lượng nhân sự với những phẩm chất phù hợp với vị trí làm việc.

  • Đào tạo và phát triển: chú trọng nâng cao năng lực của nhân viên về cả trình độ chuyên môn lẫn những kỹ năng mềm cần thiết trong quá trình làm việc.

  • Duy trì nguồn nhân lực: kích thích, động viên nhân viên và duy trì, phát triển các mối quan hệ trong nội bộ doanh nghiệp, giữ chân nhân sự.


Phát triển nguồn nhân lực có ý nghĩa gì đối với doanh nghiệp

Như đã khẳng định, con người là một phần linh hồn của tổ chức nên do vậy, phát triển yếu tố con người cũng chính là phát triển tiềm lực của cả tổ chức. 

Nâng cao năng suất lao động về cả chất và lượng. Từ đó, giúp doanh nghiệp tăng năng suất và hiệu quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, thậm chí là lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp so với các đối thủ.

Đưa doanh nghiệp tránh khỏi tình trạng lỗi thời. Xã hội không ngừng phát triển, các ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh cũng không nằm ngoài guồng xoay đó. Phát triển nguồn nhân lực là một biện pháp giúp doanh nghiệp luôn cập nhật xu hướng mới của ngành, quốc gia và cả thế giới để có những bước chuyển mình phù hợp, thậm chí là đón đầu xu thế.

Giải quyết các vấn đề về nội bộ của doanh nghiệp. Hoạt động phát triển nguồn nhân lực luôn bao gồm các buổi đối thoại, đào tạo về nhiều lĩnh vực nên qua đó, ban lãnh đạo hay bộ phận nhân sự - đào tạo có thể phát hiện, ghi nhận những mâu thuẫn, xung đột đang tồn tại trong nội bộ tổ chức để kịp thời điều chỉnh, hòa giải trước khi dẫn đến kết quả có ảnh hưởng tiêu cực tới toàn bộ tổ chức. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để nhân sự đưa ra những mong muốn của bản thân tới nhà quản trị, giúp 2 bên hiểu nhau hơn.

Đào tạo nhân viên mới và chuẩn bị “quản lý tập sự” cho tương lai. Phát triển nguồn nhân lực có thể giúp doanh nghiệp đạt được mục tiêu kép về cả nhân sự mới và nhân sự tiềm năng cho vị trí quản lý, lãnh đạo trong tương lai thông qua các khóa đào tạo chuyên sâu tùy theo từng mục đích. Cũng ở khía cạnh này, các doanh nghiệp đang dần tiết kiệm được nhiều nguồn lực hơn nhờ vào sự xuất hiện của e-Learning - đào tạo trực tuyến. 

Giảm gánh nặng về nhân lực - tài lực cho quá trình giám sát. Đồng thời, nâng cao tính ổn định và năng động của tổ chức, người lãnh đạo không phải quản lý quá nhiều vì nhân sự có khả năng tự giác hơn trong công việc sau khi đã trải qua các khóa đào tạo cần thiết.


Tựu chung lại, có thể thấy rõ ràng tầm quan trọng của hoạt động phát triển nguồn nhân lực trong nội bộ doanh nghiệp là không thể thay thế. Nhưng để đạt được những hiệu quả tối ưu nhất, doanh nghiệp cần phải có chiến lược cụ thể phù hợp với nhu cầu, tiềm lực của bản thân tổ chức. Theo dõi ngay OES để tìm hiểu những chiến lược phát triển nguồn nhân lực nào đang là xu hướng mới nhất 2021!

0 comments:

Post a Comment